trì hoãn

8 “Liều Thuốc” Hữu Hiệu Giúp Bạn Chữa Bệnh Trì Hoãn

Bạn đang ngồi trước trang giấy trắng.

Bạn biết là mình phải viết.

Nhưng thay vì viết, bạn vào mạng để “nghiên cứu thông tin”.

Cứ như thế, bạn lướt hết trang web này đến trang web khác.

Cả một buổi chiều bạn vẫn chưa viết được chữ nào.

“Thôi, hôm nay coi như để dành cho nghiên cứu. Mai viết cũng được.”

Bạn gấp máy tính lại, kết thúc một ngày làm việc.

Hôm sau, mọi chuyện “nguyễn y vân”.

Bạn có trải qua tình huống tương tự?

Nếu có…

…thì bạn đang mắc một căn bệnh có tên khoa học là “trì hoãn”.

Bệnh trì hoãn là bệnh gì? Bệnh này có phổ biến trong cuộc sống? Và làm thế nào để chữa dứt điểm trì hoãn? 

Chúng ta cùng đi tìm câu trả lời nhé!

Trì hoãn là gì?

Trì hoãn, trong tiếng Anh là procrastination. Từ này bắt nguồn từ tiếng Latin “procrastinare”, có nghĩa là để đến ngày mai. Từ này cũng có nguồn gốc từ một từ Hy Lạp cổ “akrasia” có nghĩa là làm ngược lại với việc bạn nghĩ rằng sẽ đem lại lợi ích cho bản thân.

Tôi cho rằng trì hoãn có thể được hiểu là sự thất bại trong việc thuyết phục bản thân làm những việc cần làm hoặc đưa ra những quyết định cần thiết hướng đến mục tiêu dài hạn của bản thân.

Một nghiên cứu cho thấy có đến 95% người Mỹ thừa nhận thường xuyên trì hoãn. Đây là căn bệnh phổ biến, có ảnh hưởng đến bất kỳ ai trong số chúng ta. 

“Khi chúng ta lãng phí thời gian của mình do dự, trì hoãn, cuộc sống đang dần trôi đi”

Seneca

Trì hoãn khiến bạn không thể đưa ra quyết định quan trọng và hoàn thành việc cần làm để đạt được mục tiêu. Ảnh hưởng tiêu cực từ việc trì hoãn ngăn bạn tiến tới để nắm lấy ước mơ của mình. Thời gian quý giá cứ thế trôi đi. Bạn luôn đối mặt với cảm giác nuối tiếc vì đã không làm những việc cần làm.

Nếu có thể loại bỏ trì hoãn, bạn sẽ sống một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn. 

Tại sao con người thường trì hoãn?

Gần đây, có nhiều nghiên cứu cho thấy trì hoãn phần lớn có liên quan đến việc điều tiết những cảm xúc không tốt. Tiến sĩ Tim Pychyl, giáo sư tâm lý học của Đại học Carleton ở Ottawa cho rằng: “Trì hoãn là vấn đề liên quan đến việc điều tiết cảm xúc chứ không phải là quản lý thời gian”

Trong một nghiên cứu năm 2013, tiến sĩ Pychyl cùng với tiến sĩ Sirois nói về việc trì hoãn có thể được hiểu là “sự ưu tiên cải thiện tâm trạng trong thời gian ngắn… thay vì hành động hướng tới các mục tiêu dài hạn được định sẵn”. 

Theo đó, chúng ta sử dụng trì hoãn như một liều thuốc chữa trị cảm giác tiêu cực. Có thể là buồn chán, lo lắng, thất vọng, sợ hãi, mất động lực, cạn kiệt năng lượng, kỳ vọng quá lớn vào bản thân, ác cảm với nhiệm vụ phải thực hiện hoặc với đồng nghiệp, vân vân . 

Thay vào đó, bạn thực hiện những hoạt động khiến tâm trạng trở nên tốt hơn (giúp bản thân thỏa mãn nhu cầu ngay tức khắc). Xét cho cùng, hành động như vậy cũng là điều dễ hiểu. Tất nhiên, không phải là điều nên được khuyến khích. 

Ví dụ: Bạn cần phải thực hiện dự án quan trọng của tháng này – viết một cuốn sách chẳng hạn (mục tiêu dài hạn được định sẵn), nhưng bạn lại lướt mạng xã hội để đọc tin tức, xem video (trì hoãn để cải thiện cảm xúc lúc bấy giờ – có thể là do lần đầu viết sách nên cảm thấy khó khăn, không biết phải sắp xếp các ý tưởng ra sao, triển khai cuốn sách như thế nào).

Làm thế nào để thoát khỏi trì hoãn?

Bây giờ, bạn đã có hiểu biết cơ bản về căn bệnh trì hoãn. Tin vui dành cho bạn là căn bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi. Quan trọng là cần tìm được nguyên nhân gây ra sự trì hoãn. 

Liệu bạn trì hoãn là vì sợ hãi hay vì thiếu động lực, vì tự ti, cầu toàn hay vì một điều gì đó khác? 

Nắm bắt được lý do khiến bản thân trì hoãn, bạn sẽ tiến gần hơn một bước đến việc giải quyết vấn đề của mình.

Sau đây là một số cách thức hiệu quả bạn có thể lựa chọn để áp dụng vào công cuộc loại bỏ trì hoãn ra khỏi cuộc sống:

Cẩn thận lựa chọn nhiệm vụ cần làm

Các bạn có thể đã nghe về ma trận Eisenhower – mô hình quản lý thời gian của vị tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ Eisenhower. Trong mô hình này, ông gợi ý mọi người nên tập trung hoàn thành công việc gấp và quan trọng đầu tiên.

Tôi học được một cách thức tương tự nhưng có tùy biến đôi chút. Đó là ưu tiên hoàn thành công việc quan trọng nhất và tốn ít thời gian nhất. 

Bằng việc xác định việc quan trọng nhất đối với bản thân, bạn sẽ loại ra được công việc gây xao lãng, và thực tế không đóng góp cho sự phát triển của mình. Ngoài ra, chọn công việc tốn ít thời gian nhất để hoàn thành giúp bạn cảm thấy phấn khởi khi hoàn thành công việc trong thời gian ngắn và có động lực để bắt tay hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo.

Còn gì tuyệt vời hơn khi bắt đầu bằng công việc quan trọng nhất và tốn ít thời gian nhất trong ngày. Vì sau khi hoàn thành nó, bạn vừa có được kết quả và vừa dành lại thời gian. Một mũi tên trúng hai đích. Sự thảnh thơi và thoải mái trong tâm lý trong suốt phần còn lại của ngày làm việc biết đâu còn khơi nguồn cho những ý tưởng mới để bạn áp dụng vào cuộc sống.

Chia nhiệm vụ thành những nhiệm vụ nhỏ hơn

Mục đích của việc này là làm cho nhiệm vụ trước mắt của bạn trở nên cực kỳ dễ dàng, khiến bạn không thể khước từ mà thực hiện. Những lúc tôi trì hoãn viết blog, tôi thường đặt ra những mục tiêu cực nhỏ. 

Ví dụ như: 1. Ngồi vào bàn, 2. Mở máy tính, 3. Mở trình duyệt web, 4. Mở Google Docs, 5. Đặt tên cho file, 6. Viết tất cả những gì đang có trong đầu lúc đó.

Khi hoàn thành mỗi nhiệm vụ này, cảm hứng thường tăng lên đáng kể. Tôi dần nắm bắt được nhịp điệu của công việc. Việc viết trở nên tự nhiên, trơn tru hơn rất nhiều. Đặc biệt khi bước vào trạng thái dòng chảy, công việc dường như thăng hoa hơn bao giờ hết.

Đọc thêm: Làm Việc Hiệu Quả Và Sống Hạnh Phúc Hơn Với Trạng Thái Dòng Chảy (Flow State)

Sử dụng quy tắc 2 phút

Quy tắc 2 phút là phiên bản tương tự với cách thức phía trên. Quy tắc này được chia sẻ bởi James Clear – tác giá cuốn Automic Habits (tựa Việt: Thói quen nguyên tử). Quy tắc của James rất đơn giản. Bất kỳ việc gì bạn làm, chỉ làm trong hai phút. 

Ví dụ: Thay vì phải đọc sách mỗi tối trước khi đi ngủ, chỉ đọc trang đầu tiên của cuốn sách đó (làm trong khoảng 2 phút). Thay vì phải tập thể dục mỗi ngày, chỉ tập một động tác nào đó bạn ưa thích trong vòng 2 phút. Thay vì phải viết một bài tiểu luận, hãy bắt đầu viết đoạn mở bài hoặc chỉ câu đầu tiên (trong vòng hai phút).

Bắt tay vào hành động hướng tới mục tiêu là cực kỳ quan trọng. Mọi người thường trì hoãn bằng cách làm việc khác thay thế. Thay vì không làm, hãy bắt đầu thật nhỏ, nhỏ thôi đủ để bạn cảm thấy thoải mái, không áp lực khi phải làm việc. Như vậy, bạn sẽ vượt qua được sự trì hoãn.

Đặt ra thời hạn hoàn thành công việc

Nếu là bạn đọc thường xuyên trên The Introvert Writer, chắc hẳn bạn còn nhớ bài viết về quy luật Parkinson. Quy luật này phát biểu nếu bạn có bao nhiêu thời gian hoàn thành công việc thì bạn sẽ mất ngần ấy thời gian để hoàn thành hoàn thành nó. 

Có nghĩa là với năng lực của bạn dù công việc đó chỉ mất 5 phút để hoàn thành nhưng thời hạn đặt ra là ba ngày, thì bạn cũng sẽ có xu hướng kéo dài công việc đến ba ngày mới xong. Đây chính là cơ hội để trì hoãn chen ngang và làm giảm năng suất làm việc của bạn.

Vì vậy, đặt ra một thời hạn cụ thể giúp bạn ý thức được sự cấp bách của nhiệm vụ để tập trung tối đa hoàn thành chúng thay vì trì hoãn. 

Tất nhiên cũng cần lưu ý là không phải lúc nào bạn cũng cần phải đặt mục tiêu quá khắt khe, không phù hợp với năng lực của bản thân. Hãy đặt một mục tiêu vừa sức nhưng cũng có đôi chút thử thách để bạn có động lực hoàn thành công việc đúng hạn.

Loại bỏ xao nhãng trong công việc

Nếu có thể dọn dẹp những xao nhãng quanh bạn, trì hoãn sẽ khó có cơ hội ghé thăm.

Trước hết, hãy thường xuyên dọn dẹp, sắp xếp bàn làm việc sạch sẽ và ngăn nắp. Tưởng tượng ngồi vào một chiếc bàn lộn xộn với ngổn ngang giấy tờ, sách vở, bút vẽ, máy tính, đồ ăn, thức uống, liệu bạn có thể dễ dàng làm việc mà không tí toáy sờ mó chỗ nọ chỗ kia?

Ngoài ra, bạn có thể tắt chế độ thông báo của điện thoại, sử dụng tai nghe chống ồn, thông báo cho người thân trong gia đình biết về giờ làm việc của mình (nếu làm việc tại nhà), sử dụng hai màn hình máy tính để giảm thiểu xao nhãng khi làm việc.

Tạo ra khoảng nghỉ ngắn trong quá trình làm việc

Nếu nhận thấy bản thân có cảm xúc tiêu cực nào đó cần xử lý, hãy dành vài phút nghỉ ngơi, đi dạo hoặc làm việc gì đó khiến bạn thư giãn và cân bằng cảm xúc. Sau khi quay trở lại, bạn có thể sẽ lấy lại được cảm hứng hoặc đưa ra quyết định làm việc hướng tới mục tiêu dễ dàng hơn.

Tự thưởng cho cố gắng của bản thân 

Có một lần tôi phải hoàn thành một nhiệm vụ khá “khoai”. Tôi ghét nhiệm vụ này kinh khủng và không muốn bắt đầu. Nhiều lúc tôi nghĩ đến việc xin nghỉ phép để sếp có thể giao nhiệm vụ cho người khác, nhưng lương tâm không cho phép.

Chồng tôi thấy tôi rầu rĩ nên đã động viên nếu như tôi có thể làm xong việc này, thì anh ý sẽ tặng cho tôi một món quà mà tôi rất thích. Thật là buồn cười, dù chẳng biết món quà là gì nhưng lời động viên của chồng cũng làm tôi thoải mái hơn để bắt đầu công việc của mình. Cuối cùng, tôi cũng có thể hoàn thành nó.

Đến bây giờ, nhiều khi phải đối mặt với những việc không muốn làm, tôi nhớ về lời động viên mua quà của chồng. Tôi nghĩ rằng, đặt ra cho mình một phần thưởng, dù là vật chất hay tinh thần, sẽ tạo ra động lực nho nhỏ đủ để bạn đủ can đảm đặt thói quen trì hoãn sang một bên và bắt tay vào làm việc.

Làm việc với mentor/coach

Một học viên của The Introvert Writer có chia sẻ rằng chị thường xuyên trì hoãn viết blog. Không hiểu sao, cứ đến lúc phải viết thì chị lại thấy đầu óc trống rỗng và không biết phải viết gì. Nói chuyện với chị một tiếng đồng hồ, hai chúng tôi nhận ra vấn đề của chị nằm ở việc kỳ vọng quá mức vào bản thân. 

Tôi gợi ý cho chị một “chiêu” đánh lừa cảm xúc. Đó là khi ngồi xuống viết, chị hãy cứ nghĩ rằng mình đang chuẩn bị viết một bài viết tồi tệ nhất, không bài nào có thể tệ hơn được. Nghĩ như vậy, việc viết tự dưng dễ dàng hơn rất nhiều. Vì nếu đó đã là bài viết tồi tệ nhất chị có thể viết ra, những bài khác tự nhiên trở thành bài viết tốt hơn và tốt hơn nữa.

Đặc biệt, chỉ cần chị thực sự bắt đầu, điều kỳ diệu sẽ xảy ra.

Chị đồng ý thử cách này của tôi. Sau đó, chị còn gợi ý thêm rằng sẽ gửi cho tôi deadline cụ thể về thời hạn cần hoàn thành các bài viết và nhờ tôi “ủn mông” để đạt được mục tiêu đề ra. 

Từ câu chuyện của chị, bạn có thể thấy có thêm một người ở bên cạnh đồng hành và hỗ trợ trong những lúc rối ren có thể mang lại thay đổi tích cực thế nào. Tất nhiên, bạn vẫn có thể một mình bước đi trên con đường đã chọn. Nhưng làm việc với coach hoặc mentor giúp bạn nhanh chóng cải thiện tình trạng của bản thân và rút ngắn quá trình hướng tới mục tiêu. Vì thế, nếu thấy cần thiết, bạn có thể cân nhắc lựa chọn phương án này cho bản thân.  

Còn rất nhiều cách khác nữa để loại bỏ căn bệnh trì hoãn ra khỏi cuộc sống thường nhật. Dù bạn lựa chọn cách nào đi nữa, tôi nghĩ quan trọng là bạn cần nhận thức được nguyên nhân dẫn đến tình trạng trì hoãn của mình để lựa chọn phương án phù hợp. 

Khi có được phương án, hãy thực sự hành động, đừng để trì hoãn xen ngang.

Bây giờ nếu đọc đến đây, đã đến lúc bạn tắt trình duyệt đi và thực sự làm việc cần làm ngay lập tức.

Đừng chần chừ, trì hoãn.

Chúc bạn mau chóng khỏi bệnh và sống một đời ý nghĩa!

Khi bạn sẵn sàng, đây là 4 cách mình có thể giúp bạn:

1. Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí 30 phút với The Introvert Writer để được giải đáp các vấn đề liên quan đến hiểu về bản thân, rèn luyện tư duy, kỹ năng phù hợp để tự tin phát triển bản thân và sự nghiệp.

2. Sử dụng các dịch vụ done-for-you từ The Introvert Writer để rút ngắn hành trình phát triển của bạn. Hiện tại mình đang cung cấp dịch vụ tạo blog cá nhân và dịch vụ viết bài chuyên nghiệp.

3. Tham gia các khoá học online tự học theo tiến độ với chi phí hợp lý giúp phát triển kỹ năng (Kickstart Your Website nhằm phát triển kỹ năng làm blog/website, Writing Online Jumpstart nhằm phát triển kỹ năng viết online).

4. Tham gia các khoá học đồng hành 1:1 (5 khoá chuyên biệt – Write to Success về viết, Dreamer to Blogger về blog, Your Heart Centered Brand về thương hiệu cá nhân, Product Service Blueprint về sản phẩm dịch vụ, Way to Freedom – khoá học đặc biệt chuyên sâu hướng dẫn lộ trình từ A-Z phát triển sự nghiệp tự do) để The Introvert Writer đồng hành cùng bạn phát triển kỹ năng, xây dựng sự nghiệp, tự chủ về thời gian, gia tăng thu nhập và sống đời mơ ước.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top