coaching là gì

Vài Điều Quan Trọng Bạn Cần Biết Trước Khi Sử Dụng Dịch Vụ Coaching

Gần đây, bạn để ý thấy nhiều người nói về coaching?

Hình như The Introvert Writer cũng có một dịch vụ coaching 1:1 gì đó?

Tuy đã nghe qua khá nhiều lần nhưng bạn chưa thực sự hiểu rõ coaching là gì, có những lợi ích gì và tại sao bạn cần quan tâm đến dịch vụ này?

Trong quá trình tìm tòi học hỏi và xây dựng khoá học Dreamer to Blogger – khoá học 1:1 đầu tiên có kết hợp coaching, The Introvert Writer đã tích lũy được một số kiến thức quý giá và tổng hợp nên bài viết này. 

Hy vọng bài viết có thể giải đáp được phần nào những thắc mắc của bạn về coaching và giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn khi lựa chọn một dịch vụ coaching nào đó.

*Coaching tiếng Việt có thể dịch là huấn luyện hoặc khai vấn. Tôi lựa chọn sử dụng từ khai vấn trong khuôn khổ bài viết này.

Coaching là gì?

Ngài John Whitmore, đồng sáng lập Performance Consultant từng định nghĩa: “Khai vấn là mở khóa tiềm năng của một người để phát huy tối đa năng lực của họ. Khai vấn giúp họ học hỏi điều mình muốn hơn là dạy cho họ những gì họ muốn.”

Liên đoàn Khai vấn Quốc tế (ICF) nói về coaching như sau: “Khai vấn là việc hợp tác với khách hàng để kích thích tư duy và khả năng sáng tạo của họ, đồng thời truyền cảm hứng để họ phát huy tối đa tiềm năng cá nhân và nghề nghiệp của mình.”

Trong cuốn Therapist as Life Coach xuất bản năm 2007, Patrick Williams viết: “Các nhà khai vấn nhận ra khả năng xuất sắc của mỗi khách hàng cũng như năng lực giải quyết vấn đề theo cách của riêng họ một khi họ nhận được sự hỗ trợ đúng đắn, tin tưởng và quan tâm tích cực, vô điều kiện.”

Như vậy, có thể nói coaching là quá trình trong đó coach (nhà khai vấn) và coachee (người được khai vấn) cộng tác với nhau. Nhà khai vấn sẽ sử dụng một số cách thức để giúp người được khai vấn học hỏi, phát huy tất cả năng lực của mình (đặc biệt là những năng lực còn ẩn giấu bên trong và chưa được khám phá) để đạt được một mục tiêu nào đó. 

Coaching 1:1 là gì?

Coaching 1:1 là một dạng coaching chuyên nghiệp dưới hình thức một kèm một. Tùy theo mục tiêu trong hiện tại, có thể bạn sẽ muốn làm việc với một life coach (khai vấn cuộc sống), career coach (khai vấn sự nghiệp) hay business coach (khai vấn kinh doanh),…

Hơn một nửa học viên theo học khóa Dreamer to Blogger chia sẻ lý do lựa chọn chương trình này là vì muốn tìm kiếm một người đồng hành. Họ muốn có một người ở bên cạnh khơi gợi cho họ được tinh thần trách nhiệm với những gì họ muốn làm, lắng nghe những khó khăn của họ, gợi mở cho họ cách thức để tự tìm ra lời giải cho vấn đề của mình và đạt được điều mình muốn.

Đó là từ góc nhìn của những học viên của The Introvert Writer. Còn với bạn, nếu sử dụng dịch vụ coaching 1:1 trong bất kỳ lĩnh vực nào thì bạn cũng có thể nhận được những lợi ích khác nữa. Có thể kể đến như:

  • Giúp bạn hiểu hơn về chính mình, về điểm mạnh, điểm yếu, về giá trị cốt lõi của bản thân.
  • Giúp bạn tự nhận thức được vấn đề bản thân đang gặp phải, những trở ngại khiến bạn không thể tiến về phía trước và đi tìm giải pháp phù hợp để giải quyết.
  • Giúp bạn lên kế hoạch hành động, hỗ trợ bạn trong việc theo dõi tiến độ cũng như phát triển tinh thần trách nhiệm với các mục tiêu đề ra.
  • Giúp bạn tư duy tích cực về bản thân và tự tin hơn trong hành động.  
  • Giúp bạn giao tiếp hiệu quả hơn.
  • Giúp bạn xây dựng những mối quan hệ ý nghĩa.
  • Giúp bạn tự chủ hơn.
  • Truyền động lực cho bạn thực hiện những việc làm cần thiết hướng tới mục tiêu.

Coaching khác gì với Mentoring, Counseling?

Nếu để ý xung quanh, bạn sẽ nhận ra có những hình thức mang nhiều nét tương đồng với coaching. Có thể kể đến mentoring (cố vấn) và counseling (tư vấn). Tuy nhiên, ba hình thức này không giống nhau hoàn toàn mà cũng có đôi chút khác biệt. 

Cụ thể, coaching có thể chỉ kéo dài trong vài tháng nhưng mentoring và counselling có thể diễn ra trong khoảng thời gian dài hơn. Trong khi coaching và counselling có tính chất trang trọng và được tiến hành bài bản với cấu trúc rõ ràng thì mentoring lại mang tính thân mật và cởi mở. 

Thông thường, coaching và mentoring được áp dụng trong lĩnh vực phát triển bản thân, hoặc (chủ yếu về) nghề nghiệp (đối với mentoring), đồng thời tập trung vào hiện tại và tương lai. Còn counselling lại liên quan đến các vấn đề tâm lý, chữa lành trong quá khứ và hiện tại. 

Đặc biệt, coaching khuyến khích bạn tự tìm câu trả lời cho bản thân, mentor có thể đưa ra câu trả lời cho bạn dựa vào kinh nghiệm của mình, còn counselor đưa ra lời khuyên hỗ trợ tư vấn và tâm lý dựa trên nền tảng kiến thức khoa học của họ. Do đó, counselor cần có bằng cấp, chứng chỉ để thực hiện dịch vụ, trong khi coaching và mentoring không yêu cầu.

Chi tiết hơn nữa, bạn có thể xem bảng so sánh sau đây.

Bản quyền thuộc về Better Up

Khi nào bạn nên đồng hành cùng coach?

Nếu đang gặp vấn đề nào đó trong cuộc sống và cần tìm một người đồng hành giúp bạn cùng tìm ra giải pháp, bạn có thể nghĩ đến việc sử dụng dịch vụ coaching. Cụ thể hơn là:

  • Khi bạn không có định hướng rõ ràng về những điều bạn thực sự mong muốn trong cuộc sống, những vấn đề đang cản trở bạn tiến đến mục tiêu, những tiềm năng bên trong của bản thân để tận dụng và theo đuổi giấc mơ của mình.
  • Khi bạn có mục tiêu hoặc vấn đề liên quan đến hiện tại và tương lai thay vì đang gặp các tổn thương trong quá khứ.
  • Khi bạn thiếu kỷ luật bản thân và cần tìm kiếm một người giúp bạn phát triển tinh thần trách nhiệm với chính mình và hành động vì mục tiêu.
  • Khi bạn bế tắc, thất vọng, hay thường xuyên lo lắng về các vấn đề liên quan đến phát triển bản thân hoặc sự nghiệp! 
  • Khi bạn tin rằng mình có thể làm được rất nhiều việc với điều kiện có một người đồng hành biết lắng nghe, giúp bạn hiểu sâu hơn về bản thân cũng như chỉ ra các thách thức bạn có thể gặp phải để bạn có thể vững tin hơn tiến về phía trước.

Dù có thế nào, hãy tìm cho mình một lý do thực sự, một nỗi đau cần được giải tỏa trước khi bắt đầu tìm kiếm người coach phù hợp với bạn.

Làm thế nào để tìm một người coach phù hợp?

Không đơn giản để tìm thấy một người đồng hành phù hợp với bạn. Có thể bạn nghĩ rằng, cứ tìm những ai có chứng chỉ từ những tổ chức uy tín nhất về coach và làm việc với họ. Nhưng chứng chỉ chỉ là một trong nhiều yếu tố bạn cần cân nhắc trước khi lựa chọn người coach phù hợp với mình. 

Luisa Zhou – một người phụ nữ “bất ngờ” trở thành coach, sau đó điều hành một doanh nghiệp triệu đô, giúp đỡ hàng nghìn người thay đổi cuộc sống và có vinh dự góp mặt trên các tạp chí danh tiếng như Forbes, Business Insider, Money, Inc, Entrepreneur, Success, chia sẻ rằng một người coach chuyên nghiệp không cần thiết chứng minh năng lực thông qua chứng chỉ. Thay vào đó, hãy dùng kết quả từ chính những khách hàng đã sử dụng và trải nghiệm dịch vụ làm bảo chứng cho những gì mình có thể làm.

Nếu bỏ qua yếu tố về chứng chỉ thì còn có những yếu tố nào khác giúp bạn chọn cho mình một người coach phù hợp?

Trước tiên, hãy chắc chắn rằng bạn đã theo dõi họ đủ lâu để có thể thực sự tin tưởng họ. Một học viên của The Introvert Writer nói rằng đã theo dõi tôi trong 3 tháng trước khi quyết định sử dụng dịch vụ.

Sau đó, hãy liên hệ gặp gỡ và nói chuyện với họ. Lúc này, bạn hãy đánh giá xem họ có phải là người:

  • Luôn chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng trước mọi cuộc nói chuyện và cho bạn thấy sự nhiệt tình, tận tâm.
  • Sẵn sàng trò chuyện và đồng hành cùng bạn trong mọi vấn đề mà bạn gặp phải.
  • Nói ít, lắng nghe nhiều, khuyến khích bạn tìm tòi, khám phá và đưa ra ý tưởng mỗi khi gặp mặt.
  • Thành thật đưa ra nhận xét cho bạn và gợi mở những ý tưởng giúp bạn làm tốt hơn
  • Biết tạo ra thách thức và khuyến khích bạn phát huy tiềm năng để vượt qua thách thức.
  • Đưa ra cho bạn những lời khuyên thực tế và hữu ích để bạn cân nhắc dựa trên hiểu biết về bản thân và áp dụng linh hoạt vào cuộc sống.
  • Thực sự quan tâm đến bạn, coi trọng sự thành công của bạn và sẵn sàng nỗ lực hết mình vì điều đó.
  • Tin tưởng ở bạn, vào khả năng của bạn.

Nếu câu trả lời là có, chúc mừng bạn đã tìm thấy người đồng hành phù hợp với mình.

Sử dụng kết hợp các hình thức để đạt được kết quả tốt nhất

Tùy theo mục tiêu của bạn trong hiện tại, bạn có thể tìm kiếm các chương trình có sự kết hợp giữa các hình thức coaching, mentoring và counselling để có được hiệu quả tốt nhất.

Tôi muốn lấy một ví dụ thực tế từ khóa học blog coaching 1:1 của The Introvert Writer. Trong khóa học này, tôi và các bạn học viên cùng đồng hành với nhau, kết hợp coaching và mentoring để đạt được kết quả tốt nhất. 

Tất cả học viên của khóa học đều có mong muốn xây dựng blog cá nhân, bắt đầu sự nghiệp viết lách từ blog và tìm kiếm cơ hội phát triển thương hiệu, gia tăng thu nhập cho bản thân. 

Dù mong muốn là như vậy, nhưng họ mông lung mơ hồ không biết phải bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào. Một số người cũng đã từng lập blog trước đó, nhưng họ không viết bài thường xuyên vì quá bận rộn, không có thời gian dành cho blog. 

Không ít bạn chia sẻ đã nghe nhiều về ngách nhưng cũng chẳng biết viết về ngách gì. Có trường hợp ngách gì bạn cũng muốn viết, nhưng cũng có bạn chẳng tự tin để viết về bất kỳ chủ đề gì vì nghĩ rằng bản thân chưa đủ kinh nghiệm. 

Cũng có bạn có định hướng rõ ràng hơn với viết lách, sẵn sàng viết nhưng khi viết xong lại không dám chia sẻ với mọi người. Vì bạn ngại, vì sợ mình viết không hay, sợ đám đông nhận xét, không tự tin vào chính mình. 

Mỗi một học viên là một vấn đề, một hoàn cảnh, một mục tiêu khác nhau, không hề giống nhau.

The Introvert Writer luôn tin rằng hiểu về bản thân là điều đặc biệt quan trọng giúp bạn tìm ra manh mối cho những vấn đề của mình. Vì vậy, tôi dành một phần lớn thời lượng trong khóa coaching để giúp mọi người hiểu hơn về bản thân, đặt ra những câu hỏi gợi mở vấn đề và khuyến khích mọi người tự tìm kiếm câu trả lời cho mình (coaching)

Trong những buổi nói chuyện, tôi luôn lắng nghe chia sẻ của mọi người, hỏi rõ hơn về cách thức họ xử lý tình huống xảy ra, và chia sẻ quan điểm của mình. Theo tôi, sẽ không có câu trả lời nào là đúng hay sai. Chỉ có câu trả lời phù hợp cho hoàn cảnh hiện tại của bạn. Nhiệm vụ của bạn là tìm ra cách thức hiệu quả cho riêng mình.

Ngoài ra, The Introvert Writer cũng chia sẻ tất cả kinh nghiệm đã có trong quá trình thực hành làm blog, viết bài, làm SEO, email marketing, quảng bá và kiếm tiền từ blog cho học viên, giúp các bạn có một cái nhìn tổng thể về những vấn đề có thể gặp phải và hướng đi hiệu quả cho con đường của mình (mentoring)

Các bạn học hỏi thêm kiến thức, được khuyến khích thực hành, được đồng hành 1:1, được tiếp thêm động lực trong suốt quá trình, tạo ra được những trải nghiệm quý giá, tích lũy thêm kinh nghiệm và phát triển kỹ năng cần thiết để tạo ra kết quả thực sự. 

Trong quá trình học, cũng có các bạn gặp các vấn đề liên quan đến công việc, gia đình, tâm lý, nhưng chưa một ai bỏ cuộc. Mọi người luôn được lắng nghe và được chờ đợi cho đến khi sẵn sàng trở lại và được động viên để tiếp tục con đường đã chọn. 

Nhờ đó, các bạn dần dần xây dựng được thành quả của mình. Có bạn tạo được blog thành công, viết rất nhiều bài viết và bắt đầu tìm kiếm khách hàng, xây dựng dịch vụ. 

Có bạn hoàn thành được vài ba bài viết, các trang quan trọng và đặc biệt hơn là vượt qua được sự do dự để đăng bài và chia sẻ với mọi người. 

Có những người đi chậm hơn nhưng họ hiểu được đó là tiến độ phù hợp với bản thân và khiến họ thoải mái. Nhiều khi, tôi nhận thấy đó là cả một bước tiến lớn, khi bạn đã hiểu hơn về bản thân, biết mình nên làm gì tiếp theo, duy trì thói quen viết hàng ngày và dần bắt tay vào tạo chiếc blog mang đậm dấu ấn cá nhân. 

Bạn Mai Anh, một học viên của The Introvert Writer chia sẻ: “Mình đã học đến tuần 5. Mình có rất nhiều sự thay đổi. Đầu tiên là về cách suy nghĩ và tiếp cận với nghề viết. Ban đầu, mình rất nóng vội, lo sợ, muốn đi nhanh và mong muốn làm được mọi thứ ngày lập tức.

Khi đi cùng chị, mình nhận được những bài học, câu hỏi, lời khuyên không chỉ giúp mình có được tầm nhìn rộng mở hơn về con đường đang bước đi mà còn giúp mình đào sâu hơn về bản thân, giá trị nội tại, vấn đề mình đang gặp phải.

Bài học lớn nhất mình nhận được ở thời điểm này chính là học cách có được một thái độ tiếp cận vấn đề đúng đắn, tư duy mạch lạc, làm việc chỉnh chu hoàn thiện hơn và học cách cho phép bản thân được trải nghiệm với một thái độ bình tĩnh, đúng đắn và tự mình đào sâu hơn nữa về kiến thức và trải nghiệm với nghề

Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về coaching để quyết định sử dụng hình thức coaching phù hợp với mục tiêu của bản thân.

Tôi và các độc giả của The Introvert Writer rất muốn lắng nghe những băn khoăn hoặc trải nghiệm của bạn với coaching để làm giàu thêm vốn kiến thức của mình. Vì vậy, đừng ngần ngại để lại comment chia sẻ cảm nghĩ của mình nhé.

Cảm ơn bạn thật nhiều!

Khi bạn sẵn sàng, đây là 3 cách mình có thể giúp bạn:

1. Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí 30 phút với The Introvert Writer để được giải đáp các vấn đề liên quan đến hiểu về bản thân, phát triển kỹ năng phù hợp (đặc biệt là viết lách và blog) giúp xây dựng sự nghiệp tự do từ đam mê,

2. Tham gia các khoá học online tự học theo tiến độ với chi phí hợp lý giúp phát triển kỹ năng (Kickstart Your Blog nhằm phát triển kỹ năng blog, Writing Online Jumpstart nhằm phát triển kỹ năng viết online).

3. Tham gia khoá học 1:1 (5 khoá chuyên biệt – Write to Success dành cho viết, Dreamer to Blogger cho blog, Your Heart Centered Brand cho thương hiệu cá nhân, Product Service Blueprint cho sản phẩm dịch vụ, Way to Freedom – khoá học đặc biệt chuyên sâu hướng dẫn lộ trình từ A-Z phát triển sự nghiệp tự do) để The Intorvert Writer đồng hành cùng bạn xây dựng sự nghiệp, tự chủ về thời gian, gia tăng thu nhập và sống đời mơ ước.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top